Máy tạo bầu trồng chanh dây đa chức năng

Máy do ông Lê Thanh Trị (Công ty TNHH Khoa học - Công nghệ Thanh Trị, Lâm Đồng) chế tạo, giúp tiết kiệm chi phí nhân công và nâng cao năng suất vườn ươm.
Chanh dây hay chanh leo, là loại trái cây được ưa chuộng tại nhiều nước trên thế giới, không chỉ quả tươi mà còn ứng dụng rộng rãi trong ngành sản xuất nước giải khát. Trong trái chanh dây chứa nhiều axit amin như tyrosin, glycin, valin… thích hợp với người bị suy nhược; giàu vitamin A, C chống lão hóa da, cải thiện thị lực, tốt cho hệ tim mạch, người mang thai và người mất ngủ. Chanh dây cũng giàu chất xơ, protein và các khoáng chất khác làm giảm chứng nhức đầu, tốt cho hệ tiêu hóa, ngừa tình trạng táo bón, ngừa được sự phát triển của các tế bào ung thư,…

Với lợi thế vùng trồng cũng như thị trường tiêu thụ, chanh dây đang được xem là cây trồng chủ lực ở Tây Nguyên, mang lại hiệu quả kinh tế bền vững cho người dân. Hiện nay, khu vực Tây Nguyên có khoảng gần 10 nghìn hecta trồng chanh dây, chiếm hơn 86% diện tích cả nước. Chanh dây thường được ươm trong bầu đất, trước khi trồng ở vườn để hạn chế cây chết.

Máy
Chanh dây là cây trồng chủ lực vùng Tây Nguyên. Ảnh: Internet

Bầu đất ươm cây đã và đang được sử dụng phổ biến trong sản xuất nông nghiệp trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, các loại bầu hiện nay thường được chứa trong túi nilon, khay hoặc vỉ xốp, bị giới hạn về không gian chứa. Do đó, vật liệu giá thể không được nén tới độ chặt cần thiết, dẫn đến lượng đất, phân bón ít, thời gian sống của cây trong bầu ngắn và cây dễ bị tác động khi thay đổi môi trường sống (chuyển ra ruộng) hoặc gặp các điều kiện bất lợi về thời tiết như khô hạn, ngập úng…

Phần lớn các công đoạn sản xuất bầu đất ươm cây hiện nay vẫn được thực hiện thủ công, cho năng suất, chất lượng thấp, không đáp ứng được yêu cầu sản xuất quy mô lớn. Ngoài ra, muốn trồng cây phải có nhân công gỡ bỏ các vật chứa bầu, từ đó làm tăng chi phí công lao động, gây ô nhiễm môi trường nếu vật chứa bầu không được thu gom và xử lý đúng cách.

Từ nhu cầu sản xuất cây giống chanh dây số lượng lớn, ông Lê Thanh Trị, Công ty TNHH Khoa học - Công nghệ Thanh Trị (Thị trấn Liên Nghĩa, Huyện Đức Trọng, Lâm Đồng), đã sáng chế ra “Máy tạo bầu trồng chanh dây tự động đa chức năng”. Máy của ông Trị là máy liên hợp tự động được kết nối các mô-đun chức năng để hoàn thiện quy trình trồng từ đầu đến cuối.

M
Tạo bầu để trồng chanh dây. Ảnh: TT

Theo quy trình, máy rót 50% giá thể vào bầu, định lượng phân viên (từ 25 - 30 hạt) vào bầu. Sau đó, trộn đều phân hạt với 50% giá thể và rót đầy giá thể vào bầu. Vệ sinh bề mặt khay (mỗi khay gồm 15 bầu) và khoan tạo lỗ để trồng cây con vào.

Sau khi hoàn thành công đoạn đục lỗ, công nhân sẽ thực hiện thao tác trồng cây con vào bầu ở các khay khi được di chuyển ra ngoài. Toàn bộ hệ thống hoạt động tự động theo nguyên lý khí nén, cơ học và chương trình phần mềm điều khiển.

Sử dụng máy tạo bầu trồng chanh dây tự động đa chức năng giúp giảm công lao động, nâng cao năng suất vườn ươm từ 48 ngàn cây lên 96 ngàn cây/ngày, đáp ứng nhu cầu cây giống cho nông dân.

Máy tạo bầu trồng chanh dây đa chức năng của ông Trị đã đoạt giải Nhất Cuộc thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng lần thứ 11 năm 2023 và giải Khuyến khích Giải thưởng Sáng tạo Kỹ thuật VIFOTEC lần thứ 17 (năm 2022 – 2023).
Nguồn: Kiều Anh - khoahocphattrien.vn
Sử dụng công nghệ sàn giao dịch Techport
Scroll